Top 5 hệ thống ERP tốt nhất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs)

Nội dung 

Phần mềm ERP đã và đang dần trở thành xu hướng mới cho doanh nghiệp trong thời đại số. Chắc hẳn doanh nghiệp nào cũng muốn thấy công việc kinh doanh được quản lý hiệu quả, quy trình vận hành mượt mà, nhân lực được phân bổ phù hợp và doanh thu ngày càng tăng trường, chỉ bằng một phần mềm quản lý tổng thể duy nhất. Hẳn đây cũng là lý do mà ngày càng nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch để tìm kiếm một phần mềm ERP phù hợp với mình.

Qua bài viết bên dưới, hi vọng doanh nghiệp sẽ đúc kết được các điểm mạnh và yếu của Top 5 sản phẩm ERP tốt nhất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những tiêu chí để so sánh các hệ thống ERP

Mỗi phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp đều tồn tại những ưu thế và những điểm yếu cần cải thiện riêng biệt. Tuy nhiên, khi cân nhắc giữa các phần mềm ERP, doanh nghiệp cần xem xét một số tiêu chí sau để có được đánh giá đồng nhất:

  1. Giao diện sử dụng (UI): Giao diện có thân thiện với người dùng không? Có gọn gàng và hiện đại hay rườm rà và cổ điển?

  2. Tính khả dụng (Usability): Phần mềm có dễ dùng không? Đơn vị phần mềm có cung cấp tài liệu, hướng dẫn sử dụng hay khóa học đào tạo nào không?

  3. Tính năng: Có đủ tính năng quản trị như kế toán, kho vận, mua bán hàng, marketing, nhân sự không?

  4. Báo cáo và Phân tích: Báo cáo có dễ dùng và đầy đủ không? Phần mềm có cho phép tùy biến các báo cáo theo nhu cầu doanh nghiệp không?

  5. Tích hợp: Nền tảng ERP này có cho phép tích hợp với ứng dụng bên thứ ba không?

  6. ROI: Giá trị lợi ích mà doanh nghiệp đạt được so với chi phí đầu tư có phù hợp không? Báo giá có đơn giản, minh bạch các điều khoản không?

  7. On-premise hay Cloud: Đây là hai phương án triển khai cơ bản. Phần mềm ERP này được triển khai hoàn toàn trên cloud hay phải cần một hệ thống máy chủ tại doanh nghiệp? Doanh nghiệp có thể tự triển khai và quản lý không?

  8. Dữ liệu thời gian thực: Các thông tin trong hệ thống ERP có chạy theo thời gian thực không? (như dữ liệu tồn kho, doanh thu, tài chính kế toán…)

Khi chọn lựa hệ thống ERP phù hợp, ngoài các tiêu chí kể trên, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc các yếu tố đặc thù của ngành nghề, ví dụ như:

  • Doanh nghiệp sản xuất nên cân nhắc các nền tảng ERP hỗ trợ cả tính năng Hoạch định sản xuất (MRP) để quản lý dây chuyền và chuỗi cung ứng.

  • Các nhà phân phối nên sử dụng các phần mềm có thể quản lý toàn bộ quá trình mua, bán, giao, nhận, thanh toán, công nợ đơn giản và phù hợp với quy trình thực tế.

  • Doanh nghiệp lớn cần quản lý tất cả quy trình nên cân nhắc các phần mềm ERP có khả năng mở rộng trong tương lai.

Tổng quan về top 5 hệ thống ERP tốt nhất cho doanh nghiệp

ORACLE Netsuite – Hệ thống ERP với khả năng tùy biến mạnh mẽ

Giao diện được tùy biến theo các tiêu chí của doanh nghiệp

Với hơn 24000 đơn vị doanh nghiệp đã triển khai trên toàn cầu, cùng danh hiệu phần mềm ERP số 1 vào năm 2020 và 2021, Netsuite là một trong những phần mềm ERP phù hợp cho doanh nghiệp với khả năng tùy biến mạnh mẽ hơn hẳn các đối thủ, từ giao diện, quy trình mua hàng, quản lý tồn kho, kế toán và một số hoạt động marketing cho đến các thông tin báo cáo theo nhu cầu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quy trình triển khai và tùy biến sẽ tốn khá nhiều thời gian trước khi có thể vận hành thật sự. Doanh nghiệp có thể tiêu tốn từ 6-8 tháng cho một dự án triển khai và tùy biến cơ bản, cùng khoản chi phí tương đối lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ hướng dẫn và hỗ trợ từ đội ngũ tư vấn của Netsuite với một khoản chi phí phát sinh.

Netsuite cũng cho phép tích hợp với một số ứng dụng bên thứ ba để tăng khả năng quản lý. Nếu doanh nghiệp quan tâm có thể sử dụng thử dịch vụ của Netsuite với gói dùng thử 14 ngày miễn phí. Chi phí sử dụng nền tảng ERP này sẽ bao gồm bản quyền giá 499 USD/tháng ( ~11.6 triệu VND) và 99 USD/user/tháng (~2.3 triệu VND). Với một doanh nghiệp có 20 user sẽ cần ngân sách từ 24.000 USD (hơn 500 triệu VND/năm).

Microsoft Dynamic 365 – Hệ thống ERP cho tín đồ Microsoft


Người dùng hệ sinh thái Microsoft sẽ dễ dàng làm quen với giao diện đơn giản của MSD 365


Microsoft Dynamic 365 (MSD 365) là phần mềm hoạch định nguồn lực phù hợp cho những doanh nghiệp hiện đang sử dụng các sản phẩm khác trong hệ sinh thái Microsoft (Microsoft Teams, MS Office, MS Project..). Đây là phần mềm ERP được nhiều công ty đa quốc gia tin tưởng chọn dùng, tiêu biểu có thể kể đến Coca-Cola, BMW,… để quản trị bán hàng, marketing, khảo sát thị trường, CRM, tài chính kế toán…

Microsoft Dynamic 365 phù hợp với doanh nghiệp mọi quy mô, với khả năng tùy biến phù hợp với nhu cầu và ngân sách của từng mô hình kinh doanh. Với giao diện thân thuộc và đồng nhất với người dùng, vốn đã quen với giao diện của sản phẩm Microsoft, việc triển khai Dynamic 365 cho văn phòng sẽ đơn giản và ít tốn thời gian hơn.

Tuy nhiên, cùng với các ưu điểm nổi trội, Dynamic 365 là một trong những phần mềm ERP ngốn dung lượng CPU/bộ nhớ trên máy tính nhiều nhất, vốn không phù hợp với máy tính văn phòng và máy tính cấu hình thấp. Để có thể tối ưu được các báo cáo chi tiết, doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp để hỗ trợ điều chỉnh phù hợp nhất với nhu cầu và chiến lược của mình. 

MSD cũng mở ra khả năng tích hợp với một số ứng dụng thông dụng khác như HubSpot Sales, Zoom, Salesforce, Cisco Webex Scheduler hay Power BI. Doanh nghiệp có thể trải nghiệm MSD 365 qua bản dùng thử 30 ngày. Chi phí bản quyền cho MSD 365 sẽ dao động từ 65 USD/user/tháng (~1.5 triệu VND) cho module đầu tiên, kể từ module thứ hai, giá sẽ còn 20 USD/user/tháng (~460.000 VND).

Oracle ERP Cloud – Phần mềm ERP hỗ trợ phân tích số liệu tốt nhất


Để tập trung xử lý phân tích thông tin, ORACLE ERP Cloud là ERP tốt nhất cho SMEs

Được nhiều tập đoàn và công ty hàng đầu tin dùng, Oracle ERP Cloud cung cấp giải pháp quản trị linh hoạt, đa tác vụ, từ tài chính, quản lý dự án, chuỗi cung ứng đến sản xuất. Ngoài ra, Oracle ERP Cloud còn hỗ trợ phân tích chuyên sâu, phù hợp với cả SMEs và doanh nghiệp lớn. Một số khách hàng lớn của Oracle ERP Cloud có thể kể đến Air Asia, Dropbox, FedEx, Lyft,…

Oracle ERP Cloud hỗ trợ khả năng phân tích và báo cáo vượt trội hơn hẳn các phần mềm ERP có mặt trong danh sách này. ERP Cloud của Oracle tập trung vào Chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), thư viện thông số đa dạng, những mẫu phân tích sẵn và khả năng tương thích cao với thiết bị di động. Một vài tính năng phân tích đã được cấu hình sẵn vào ERP Cloud, và người dùng có thể mở thêm các tính năng nâng cao thông qua gói Phân tích ERP (ERP Analytics package).

Cũng như các phần mềm ERP khác, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên nghiệp để có thể tận dụng và hiểu rõ được các tính năng của Oracle ERP Cloud, cũng như hỗ trợ trong quá trình đào tạo nội bộ. Ngoài các ứng dụng của hệ sinh thái Oracle, ERP Cloud này cũng có khả năng tích hợp với các nền tảng bên thứ ba như Marketo, Paypal, Salesforce, Shopify..

Oracle ERP Cloud bản quyền có giá từ 175 USD/user/tháng (khoảng 4 triệu VND) hoặc doanh nghiệp có thể sử dụng bản dùng thử 30 ngày miễn phí.

SAP – Phần mềm ERP tốt nhất cho doanh nghiệp tăng trưởng quy mô


Giao diện đơn giản, dễ sử dụng, SAP phù hợp cho doanh nghiệp mọi quy mô

Vào năm 1972, năm cựu thành viên của IBM đã sáng lập công ty với tên gọi (tiếng Đức) Systemanalyse und Programmentwicklung (System Analysis and Program Development – Phát triển Phần mềm và Phân tích hệ thống). Kể từ đó, SAP ERP trở thành một trong những phần mềm quản trị tài chính và hoạch định nguồn lực hiệu quả nhất. Hiện tại SAP ERP đã có trên 200 triệu người dùng toàn cầu.

Doanh nghiệp có thể dễ dàng thừa hưởng những tính năng quản trị tài chính hiện đại của SAP như khả năng quản lý tiền mặt, hỗ trợ kết chuyển tài chính, khả năng tương thích với hệ thống thương mại toàn cầu và khả năng thấu hiểu khách hàng, nhân viên nội bộ. SAP hiện tại có một bộ các ứng dụng quản lý doanh nghiệp chuyên biệt, doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng khi có thêm ngân sách cần thiết. Những yếu tố này khiến SAP trở thành một trong những phần mềm ERP phù hợp với các doanh nghiệp đang có chiến lược mở rộng quy mô kinh doanh.

SAP ERP cũng là phần mềm ERP thuộc nhóm “dễ học, khó giỏi”. SAP giúp doanh nghiệp quản lý tổng quan tình hình hoạt động của công ty, tuy nhiên, để có thể hiểu rõ SAP, người dùng cần đầu tư nhiều thời gian và công sức để học và tìm hiểu hết mức phức tạp của phần mềm. SAP có thể tích hợp với những giải pháp trong cùng hệ sinh thái, như SAP Business One, SAP Commerce Cloud. Nhưng nếu muốn tích hợp với bên thứ ba, doanh nghiệp cần phải mua thêm gói SAP Integration Suite.

SAP cung cấp giải pháp trọn gói với giá từ 3200 USD/user (~74.4 triệu VND) hoặc gói trải nghiệm miễn phí 90 ngày để doanh nghiệp có thể tham khảo trước các tính năng SAP cung cấp.

Odoo – Phần mềm ERP mã nguồn mở tốt nhất

Odoo ERP cung cấp giải pháp quản trị all-in-one với thông tin theo thời gian thực

Là một trong những phần mềm ERP mã nguồn mở hiện đại nhất thời điểm hiện tại, Odoo ERP đang ngày càng trở nên phổ biến và được tin dùng bởi hơn 7 triệu người trên thế giới chỉ trong vòng 8 năm.

Odoo ERP cung cấp giải pháp quản trị toàn diện, từ chức năng Quản trị khách hàng (CRM), quản trị chuỗi cung ứng, quy trình bán hàng và thu mua, kho vận kế toán và cả quản trị nguyên vật liệu sản xuất. Ngoài ra, Odoo còn cung cấp các tính năng như Điểm bán lẻ, Chăm sóc khách hàng, Quản trị nội dung trang web, Kho vận, Email Marketing, và nhiều hơn nữa. Odoo cũng có mặt trên các nền tảng Android và iOS để hỗ trợ thao tác trên thiết bị di động.

Vốn là một phần mềm mã nguồn mở, Odoo cho phép tùy biến và tích hợp ứng dụng cực tốt. Doanh nghiệp có thể phải xây dựng một đội nhóm phát triển sản phẩm để có thể tối ưu hóa toàn bộ chức năng vốn có của Odoo (đội ngũ kỹ thuật có thể chỉnh sửa code trên Github). Nhờ khả năng này, các ứng dụng của bên thứ ba như WooCommerce (WordPress), Shopify, Magento, Amazon, eBay, Microsoft Office 365, Google Drive,… có thể liên kết trực tiếp với Odoo vô cùng dễ dàng.

Odoo cũng cung cấp các gói hỗ trợ theo giờ (success pack) cho doanh nghiệp. Khi sử dụng các gói này, doanh nghiệp có thể yêu cầu hỗ trợ, trao đổi thông tin, sửa lỗi, đào tạo và hướng dẫn tính năng. Tuy nhiên, các gói dịch vụ theo giờ thường được đếm khá sát sao, doanh nghiệp cần cân nhắc thời gian phù hợp, hoặc có thể sử dụng các dịch vụ tương tự đến từ các Đối tác triển khai với chi phí hợp lý hơn.

Tại Việt Nam, Odoo đang có chính sách giảm giá cho gói bản quyền Enterprise, với chỉ 6 USD/user/tháng ( khoảng 140.000 VND)  và gói dùng thử 15 ngày. Doanh nghiệp cũng có thể trải nghiệm qua phiên bản miễn phí với tính năng giới hạn (phiên bản Community).

Doanh nghiệp bạn đang cần phần mềm ERP nào?

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc triển khai một phần mềm ERP phù hợp sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc nắm rõ các loại chi phí cần có (TCO – Tổng chi phí sở hữu) và việc phần mềm ERP sẽ đem lại lợi ích như thế nào (ROI – Tỷ suất lợi nhuận đầu tư) là hai yếu tố tiên quyết cần có.

Với doanh nghiệp chuyên về sản xuất, cần xác định được liệu doanh nghiệp mình có đang cần một phần mềm ERP hay chỉ cần phần mềm hoạch định sản xuất (MRP) trước khi đề xuất ngân sách triển khai.

Mỗi phần mềm ERP trong danh sách kể trên đều có những điểm mạnh riêng biệt. Tùy theo nhu cầu thực tế, ngân sách, đội ngũ và chiến lược phát triển, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng các bản dùng thử, hoặc liên hệ với các đơn vị tư vấn triển khai để tìm chọn cho mình hệ thống tốt nhất.



Phân biệt giữa ERP và MRP : Đâu là phần mềm doanh nghiệp bạn đang cần?